20.9.20

TÌM GÌ Ở TRIÊM TÂY? | #MQĐ99

Tìm gì ở Triêm Tây


Triêm Tây!

Làng Triêm Tây!

Tôi nghe 2 tiếng này từ khi nào? Lần đầu tiên địa danh này lưu dấu trong tâm trí là bao giờ?

Có lẽ là 1 ngày tháng 8, mùa mưa 2016. Sớm hơn một chút, trễ hơn một chút vài tháng. Hoặc cùng lắm là 2017. Chỉ có thể là một trong hai năm này! 

Tôi nghe từ ai? 

Từ một người tên Tùng. 

Tùng nào trong hàng ngàn, hàng vạn Tùng? 

Tùng Bến Cỏ. Hay là Tùng An Lạc Trang. Anh vừa đi đâu đó ra Hội An. Chẳng hiểu sâu xa cớ sự là gì? Nhưng qua vài lời thuật lại thì tôi biết anh đã có mặt ở Triêm Tây. Loáng thoáng bên tai tôi lúc đó là một cộng đồng có nếp sống lành an, có ý thức về sinh môi, có nguyện vọng tư duy, lao động, tiêu thụ hòa điệu với hải hà.

Anh Tùng thuộc ngành xây dựng. Tôi đoán người anh gặp ở Triêm Tây hẳn cũng thuộc về lãnh vực kiến tạo không gian. Có thể là kiến trúc sư, có thể là thiết kế nội thất, có thể là quản lý quy hoạch. Là một bậc phụ huynh, mối quan tâm hàng đầu của anh chắc chắn không ngoài giáo dục. Chuyến đi của anh vì vậy rất có thể là một dịp để tìm hiểu về một môi trường sinh sống học tập có tính giữ gìn hồn cốt Việt Nam trong lòng trẻ thơ.

Một sự gắn kết mong manh vô hình trong khoảnh khắc khi đó giữa tôi và Triêm Tây đã được đan dệt.

3, 4 năm đã trôi. Ít nhất 2 lần tôi đã về tới Hội An. Đó đều là những cuộc lữ ngắn ngày miễn cưỡng. Không phải là du lịch theo đúng định nghĩa của tôi. Du lịch là để học, học lấy một điều gì đó lành đẹp và áp dụng cho chính đời mình. Tôi đi cùng gia đình và họ có một khái niệm khác về du lịch. Không học, không hành gì cả! Tụ hội với nhau trong những dịp này là để lưu giữ tình thân. Theo mưu sinh mà mỗi thành viên tứ tán khắp nơi. Hội An là điểm tụ kết để gầy chế trở lại không khí gia đình, để những gắn bó tình thân không bị đứt lìa, để ít nhất có với nhau thêm một kỉ niệm. 

Từ mốc đầu gieo ý niệm, giờ đây, tháng 7.2020, lần thứ 3 tôi có mặt ở cảng thị. Tư duy về du lịch, về kiến trúc, về quy hoạch đã vững chắc thêm vài phần. Mọi thứ đều có mùa màng. Không sớm hay trễ hơn được! Vẫn đi cùng gia đình nhưng tôi có đủ cảm hứng và lý do để tách ra và hành động theo đúng suy nghĩ của mình về du lịch. 

Quãng đường đạp xe từ cơ sở lưu trú ở phường Cẩm Châu nhắm đến Triêm Tây hôm nay giống như một lần do thám tiền trạm. Không thể thu về một điều gì thật và giá trị trong một thời gian ngắn! Tôi đi cốt để thâu vào tầm mắt phối cảnh nơi này, cách sắp đặt các khối công trình nhà ở dân sự, công cộng, luồng di chuyển của giao thông. Ít nhất tôi đi để thâu lượm một điều mà mình đã ý thức rất rõ tên gọi: 

- Trải nghiệm người dùng.

Nghe kể có 3 đường để vào Triêm Tây. Tôi đi xe đạp từ Cẩm Châu nên chọn lối vào làng qua cầu Cẩm Kim. Có một cây cầu mới đang xây dựng nên để phân biệt chắc là cần thêm từ “sắt”. Cầu sắt Cẩm Kim. Hơi e ngại một chút khi lên cầu rồi thì cảm giác e ngại nhanh chóng biến mất. Thật lòng tôi mong chỉ có duy nhất lối vào này! Hợp với tôi lắm! Vì tôi đã quen đi bộ, đi xe đạp. Nhịp sống của tôi đã thành hình. Vậy nên đường về với Triêm Tây tôi thấy vừa xa lạ đó mà sao cũng thân thuộc vô chừng. 

Tốc độ này, chuyển động này, tầm nhìn này, 
cảm xúc này, tri giác này, tình cảm này,
đúng thật vậy! Đây chính là những gì tôi ước ao!

Triêm Tây giống như một ốc đảo. Nghe kể đã sạt lở nhiều phần. Đo trên bản đồ, thấy Triêm Tây thuộc về 2 xã Điện Phương và Cẩm Kim. Cầu sắt tôi vừa đổ dốc là Cẩm Kim vậy nên tôi đoán phần đất trước mặt cũng thuộc về Cẩm Kim. 

Tôi đi một vòng quanh. Khởi đầu từ chùa Kim Bửu theo lối vòng ngược chiều kim đồng hồ. Tôi đạp xe men theo con đường ven sông Thu Bồn, len lỏi trong các ngõ quê có đường biên thật đẹp. Đó là những hàng rào chè tàu, duối, râm bụt và những loài hoa không rõ tên gọi. Tôi thích lắm! Sống thực sự, nhà thật sự là đây!

Không nơi nào ngang qua mà tôi không muốn dừng lại. Có khi chỉ đứng lại trộm nhìn vào mái hiên bên trong, một cội mít, gốc ổi hay cây thị và đằng sau là đó là thiên đường bình yên của sự trầm tưởng. Giữa đường đi (trạng thái động) và nhà (trạng thái tĩnh) là một hàng rào xanh mướt, dịu mắt góp phần tạo nên một chuyển tiếp hài hòa giữa động và tĩnh. Khái niệm cơ bản của xây dựng đã được áp dụng. Đủ biết nơi này có bàn tay và khối óc sắp đặt của những người có nghề. 

Tôi đi vào con đường có lẽ là trái tim của đảo này. Rồi sẽ lại men theo sông và lên cầu để rời Triêm Tây. Không một ai thân thích! Tôi chỉ đơn giản là đi, đạp từng vòng xe, nơi nào thấy thích thì dừng lại, đứng thêm một chút, ngồi thêm một khắc để siết thêm chút ít tư tình với nơi này. 

Thông tin duy nhất tôi có là ở đây có một trường học cho bậc tiểu học trở xuống. Nếu quả vậy thì cần có thêm một thư viện. Tôi không phải là khách xài sang hay học đòi xài sang. Tôi đã ngán ngẩm trước vẻ sầm uất và ồn ào của Hội An. Tôi quý biết bao nhiêu sự tách biệt và thuần hòa của Triêm Tây. Nếu có điều gì cần tích hợp vào mảnh đất này, tôi nghĩ chỉ có thể là tri thức.

Tôi tìm gì ở Triêm Tây? 

Sự học, được học. Giáo dục đúng nghĩa, giáo dục đầu đời.

Tôi một người của làng quê, muốn tìm lại giềng mối, muốn học lại bài học thuở ban đầu. Muốn lấy lại trí khôn giác – động đã mất của mình, thứ trí khôn của cảm giác và vận động thường chỉ phát tiết trong khung cảnh một làng quê.

#Nhiên
Khởi ý 15.7.2020
Hoàn thành 20.9.2020