21.9.20

SAU BÃO | #mgd99

Đà Nẵng sau bão số 5

Mưa. Sấm. Gió. Từ khuya. 

Không là đêm trắng nhưng có mấy lần tôi giật mình rồi lại chìm vào giấc ngủ. Hẳn mưa đã dầm dập từ 1 giờ sáng. Có lúc trong cơn chập chờn tôi nghĩ tới Sài Gòn. Nếu là Sài Gòn thì với lượng mưa này, thời gian kéo dài này, căn phòng tôi nằm khác nào con thuyền Noah? 

Và ngày tới, 
         trước mắt 
              sẽ là đại dương?

Đã quen với sự giam cầm từ hơn 1 tháng với đại dịch. Giờ đây chỉ cần kéo cửa bước ra ngõ đã là niềm vui. Lòng cứ nuôi một đợi chờ loan báo hết dịch. Tựa như sự sống có một hy vọng phía trước, thứ hy vọng trước đây chưa từng nếm trải. Bão số 5 ập đến. Tin tức, lo âu lan truyền. Lại nhốt mình, hy vọng, chờ đợi. Sống tiếp thêm 1 ngày trong chuỗi ngày thèm khát hạnh phúc: 

đẩy cửa 
 – đưa chân 
  – xuống đường.

8 giờ sáng, tôi có mặt trên con đường hội họa: 

Tô                          
Ngọc                            Văn
Vân – Quang Dũng –  Cao 

3 danh xưng tạo nên dáng chữ U bao quanh Hồ Thạc Gián. Nước ngập lênh láng. Cao hơn mắt cá một khoảng. Nước có lẽ tràn từ hồ và thêm nữa là vì mưa kéo dài quá lâu nên chưa thoát kịp. Dải băng cách ly rào quanh hồ đã được dỡ xuống trước đó thì nay lại tiếp tục ngăn cách dòng xe cộ. 

Không thể đi, tôi ngược ra hướng Nguyễn Văn Linh. Giao lộ với Hàm Nghi cũng ngập cục bộ, xe vẫn có thể chạy. Tôi đi thẳng tiếp tới đoạn Trần Tống, nơi có một xe bánh mỳ chay mà khi chán món rau luộc chấm tương hằng ngày tôi thường tìm tới để đổi vị. 

Đoạn này cũng ngập khá sâu. Xe chạy vào rất dễ chết máy. Vậy là bốn bề xung quanh tôi đều ngập. Dĩ nhiên, tình thế không thể bi đát như giả định xảy ra ở Sài Gòn. Độ khoảng vài giờ thôi, 2, 3 giờ có khi ít hơn, nước sẽ rút hết. Trục đường chính xe vẫn di chuyển bình thường. Không muốn chân ướt thêm nữa, tôi lui trở lại nhà với cái bụng trống rỗng.

Rất muốn đi một vòng bán kính 10km để nhìn rõ thành phố. Nhưng tiếc là không có xe đạp. Đã liên hệ thử vài người thân nhưng không ai có cả. Cảm tưởng như ở Đà Nẵng bây giờ không còn ai đi xe đạp nữa. Phương tiện ấy như mặc định dành cho người già. Đô thị quy hoạch chẳng biết có tính đến cảm giác an toàn, định mức tiếng ồn, lượng khói bụi và tốc độ di chuyển luồng giao thông không? Thành phố được dựng nên là để cho ai? Cho con người, cho sự thăng bằng tâm lý và cân bằng môi sinh hay chỉ nhăm nhăm phát triển kinh tế, thúc giục xê dịch, phóng lao tới trước với một tốc độ trăm chục km trên giờ. Mà câu hỏi:

- Cái gì đang đợi tất cả chúng ta ở đích đến?

- Nghĩa địa!

Mấy phen thử gởi đi tín hiệu về một chiếc xe đạp nhưng vẫn chưa có bất kỳ một manh mối nào! Xe bus ở Đà Nẵng đã hoạt động trở lại. Vé tháng 50.000 vnđ. Nhưng thời gian chờ rất lâu phải tầm 30 đến 45 phút, rất bất tiện. Xe máy tôi chối từ. Không có xe đạp, tôi chỉ còn lựa chọn đi bộ. Với đôi dép tổ ong, thời tiết nắng nóng và thể lực hiện tại, tôi thường di chuyển trong khoảng cách 5km. 2 lượt đi về là 10 cây số. Thông thường nếu có một điểm cần đến, chẳng hạn Thư viện thành phố, cách tôi tầm 3km, tôi chọn đi vào buổi chiều, khoảng 3 giờ, nếu không quá nắng thì khởi hành sớm hơn. Có thể hình dung rằng, sự di chuyển (đi bộ) của tôi sẽ chỉ giới hạn trong trục Nguyễn Văn Linh – Lê Duẩn và 2 cạnh là bờ sông Hàn đến Hồ Thạc Gián. 

Về tới nhà, tôi vẫn còn ôm giữ đinh ninh bão sẽ đổ bộ vào trưa hay chiều. Nghĩa là vẫn chực chờ đón bão. Nhưng sự thật thì bão đã qua rồi. Chớp lóa, tuôn trào ban khuya chính là sự đến của Noul, đến sớm hơn dự liệu. Và vùng tâm bão thì lại chếch lên hướng Tây Bắc. Nghĩa là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị sẽ oằn mình gánh bão. Vừa nhẹ lòng trước đó thì mấy phút giây sau thấy niềm bình an trở nên giả hiệu.

Ở góc phố tôi ngụ cư nhà cửa san sát, không có vùng đệm, gạch đá giãm hãm con người, không thể nào trông thấy đường đi của bão. Chỉ thấy nước dưới đất. Còn trên trời, sợ nhất là những mái tôn. Gió nếu mạnh sẽ quật tốc hết cả. Để rồi lúc bấy giờ giăng đầy trời là những máy chém di động. Tôi đã nghe kể về những đợt bão, kinh hoàng trên mặt đất chưa thôi mà tang tóc là những gì từ trời. Có lẽ năm nay ở Đà Nẵng, mức độ quăng quật của gió không như những năm trước đây.

Ở Triêm Tây lúc này thế nào? Nơi tôi đang đặt nhiều tâm tư hướng về nhất ra sao sau bão? Tôi chẳng quen một ai để có câu trả lời.

#Nhiên
Sau bão ngày 18
Viết thành nhật ký Mây Quảng Đà vào ngày 21.9.2020