Thoạt nhìn bản đồ ngỡ xa xôi. Hóa ra Gác Nobel chỉ cách nơi tôi tạm trú (hồ Thạc Gián) 2,6 km. Nghĩa là còn gần hơn so với Thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Tôi đã đi Thư viện Đà Nẵng 2 lần. Đều là đi bộ. Ước chừng trên dưới nửa giờ. Thế thì nếu đi bộ đến Gác Nobel thời gian có lẽ sẽ còn ngắn hơn.
Sáng nay, nhờ một đồng minh tí hon lai đi bằng xe máy, mất chưa tới 10 phút tôi đã có mặt ở đường Giang Văn Minh. Con đường nhỏ, yên, tách bạch khỏi trục đường lớn Nguyễn Hữu Thọ. Dọc tuyến đường có nhiều cây cao xanh tốt, bóng mát từ cây và bóng mát từ dãy nhà đối diện khiến lòng điềm nhiên trầm lắng. Thêm nữa là chút vui vầy. Dự cảm sắp được thể nhập vào một góc sách lý tưởng. Đúng 9 giờ 30 phút, chủ nhơn của gác sách nức tiếng thành phố tấp xe vào lề.
Anh đã xếp lại giờ làm ban sáng tại cơ quan để tiếp đón 2 kẻ xa lạ chúng tôi. Theo anh bước vào tầng trệt, rồi bước lên 2 lần chuyển tiếp cầu thang, Gác Nobel mở ra trước mắt, sáng bừng trong nắng.
Đã được trông thấy qua báo đài. Đã được nghe nhắc nhiều. Nay mới chính thức là lần đầu tiên được hiện hữu cùng.
Tôi đã nghĩ nếu đến thăm anh thì cần có một món quà kỷ niệm. Nhưng quà gì đây? Chắc không ngoài sách. Mà gởi một tựa sách về đây xem chừng sẽ trùng hợp. Vì ở đây sách gì mà không có. Tưởng như toàn bộ sách trong thiên hạ. Không khéo lại như chở củi về rừng!
Tiên liệu đã đúng, không sai chút nào! Sách gì anh cũng có. Mà lại ít thấy nữa. Như là những quyển của Hermann Hesse, không thiếu một tập nào. Những quyển mà tôi ước ao được chạm tới. Như là Gatsby Vĩ Đại mà không biết bao lần tôi đã nằm mơ được nhìn thấy bản dịch dưới tên gọi “Con người hào hoa”. Nay đã được làm chứng nhân. Như là bộ sách Jean Piaget, những quyển đầu tiên đã được dịch ở Việt Nam, ngay cả quyển Kỷ yếu Hội Thảo Khoa Học về ông tại cả 2 đầu cầu Hà Nội, Sài Gòn năm 1996, cũng nằm yên lặng lẽ nơi này. Rồi bao nhiêu văn hào, triết gia, nhà nhân học khác nữa. Kể không biết bao nhiêu cho đủ! Đếm không hiểu bao giờ mới xong xuôi!
Thú vị nhất là được trò chuyện! Sách chỉ là giấy, gác chỉ là cảnh. Trên hết, vẫn là con người, hồn của giấy, hồn cho cảnh. Đã từng có mặt ở những thư viện công lớn nhất Việt Nam, ngay tại trung tâm, mang tầm quốc gia, nhưng điều tôi thất vọng nhất là nhân sự. Họ hơn tôi chắc chắn về chuyên môn. Nhưng điều thiếu lại mang tính quyết định:
- Yêu nghề.
Hay là tình yêu. Không thấy! Không cảm! Không chạm được!
Ở Gác Nobel này, nơi với đúng danh xưng là tập hợp các đầu sách của tác giả đã đoạt giải Nobel Văn Học, tôi thấy, tôi cảm, tôi chạm được điều ấy. Lòng yêu sách của một người Quảng Nam. Chỉ thế thôi! Thứ quan trọng nhất an trú trong không gian này. Mà “lòng yêu” liệu có thể đào tạo được không? Dường như là không. Ước nghĩ của tôi là vậy! Kết tinh ấy đi ra từ văn hóa gia đình, từ sự tự học, tự giáo dục.
Nếu không tự chủ khép màn, có lẽ cuộc hàn huyên của chúng tôi sẽ không thể nào dừng lại. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, với biết bao nhiêu danh xưng đã bay lên như Đặng Phong, Võ Quý, Nguyễn Khắc Viện, chúng tôi phải rời đi với tiếc nuối cùng ước mong hãy còn trở lại.
Thời gian của tôi tại Đà Nẵng sở dĩ mà dài lâu là cũng bởi chính những nơi này. Và dĩ nhiên, như đã nói cảnh chỉ là phụ. Quan trọng là hồn của cảnh, người giữ sách, chủ nhơn tên Tuấn họ Ngô.
#Nhiên
23.9.2020