Kỳ nghỉ 30/4, 1/5, hay cũng như bao kỳ nghỉ khác, tôi không chọn hàng quán, khách sạn, khu vui chơi, trung tâm thương mại, đình chùa làm điểm dừng. Nơi tôi đến là một trường thiền cách xa Saigon khoảng 3 giờ ô tô.
Rác thải từ tôi vì vậy chắc chắn không nhiều. Nếu có chỉ là rác sinh hoạt thường nhật. Có thể là từ vật dụng, thực phẩm hằng ngày. Tôi uống nước tại chỗ. Thế nên từ tôi không thể nào thải ra ly nhựa, ống hút nhựa, bao cao su, lon bia, lon nước ngọt, hay các loại tạp âm, tiếng hát kích động qua micro phóng đại, lời nói tục, tiếng chửi thề quàng trong hơi men say xỉn. Tôi gom rác đúng nơi quy định, một số chờ được xe rác chuyển đi, một số tự hủy. Tôi nguyện học hỏi thêm từ cách phân loại rác, tiêu hủy rác và làm sao hạn chế rác khó phân hủy đến mức thấp nhất trong khả năng.
Tôi trở về Saigon vào lúc sáng sớm. Chuyến xe liên tỉnh dừng tại một điểm gần đường Tản Đà. Bấy giờ tôi đi tiếp sang Nguyễn Tri Phương rồi Trần Phú. Có một trạm dừng tại đây, nơi tôi có thể bắt xe bus 59 để về quận 8.
Trời nắng chói chang và phía trước tầm nhìn của tôi là 2 chiếc thùng rác màu xanh đặc trưng. Rác bên trong tràn cả ra ngoài và còn có thêm rất nhiều túi rác khác. Tất cả xếp thành 1 hàng dọc ngay hàng thẳng lối chắn ngang đường di chuyển của người đi bộ. Ở trong trường thiền, tôi cũng gom rác tại một chỗ nhưng đó là chỗ trong phần diện tích của trường thiền. Mùi hôi, sự dơ bẩn trong thị giác không ảnh hưởng đến những người bên ngoài. Còn ở đây tôi tự hỏi việc đặt rác như thế này có đúng đắn về mặt luật pháp hay không? Đó là nói theo phương diện lý. Còn tình, đặt thế này thì có tình hay không? Khi mà cũng nơi này có đặt chiếc cột màu xanh dương, dấu chỉ của một trạm dừng cho khách đi xe bus.
Lòng đường rất rộng, nhưng đâu thể đứng tùy tiện ở bất kỳ nơi nào. Hành khách đi xe bus cũng phải đứng ở ngay trạm dừng. Nhưng với tình thế này thì tôi phải đứng ở đâu? Không gian trạm dừng dành cho người đã bị án ngự và biến thành nơi tập kết rác. Tôi gọi đây là “trạm dừng của rác”. Tôi hỏi lại:
- Từ bao giờ rác đã thay thế con người?
Hay là tôi hỏi:
- Từ bao giờ con người đã như rác?
Về sau tôi có tìm hiểu một số văn bản pháp luật về chuyện này, chẳng hạn như thông tư 63 [*], nhưng không thấy một manh mối nào. Hình ảnh “trạm dừng của rác” không phải là trải nghiệm đầu tiên. Đã rất nhiều lần tôi trông thấy. Và giờ thì có lẽ cảm xúc mâu thuẫn đã chạm đến đỉnh điểm. Khi mà đối diện “trạm rác” này chính là Trung tâm văn hóa quận 5. Thế nên tên gọi của trạm xe bus cũng nương theo mà đó mà có tên “Trạm xe bus Nhà văn hóa quận 5”.
Nơi được đính tên là “văn hóa” nhưng những gì trông thấy liệu đã có văn hóa? Và ai phải chịu trách nhiệm cho điều này? Tôi thấy có tôi trong đó. Nhưng chắc chắn không phải chỉ có mình tôi. Ai là người đã điềm nhiên đặt rác ngay tại đây vào lúc 8 giờ sáng? Ai đã mặc nhiên để cho tình trạng này tiếp diễn như một sự thường tình?
#Nhiên
1.5.2018
::: Ghi chú :::