Nóng!
Trời nắng to. Nền nhiệt ngoài trời hẳn phải xấp xỉ 40 độ. Từ phố sách, tôi di chuyển sang đường Hai Bà Trưng. Tiếp đó tôi rẽ phải vào Quang Trung, qua một ngã tư, đến ngã tư thứ hai giao cắt với Trần Hưng Đạo, tôi rẽ trái. Đi thêm khoảng 500m nhìn bên tay phải thì thấy tên đường Nguyễn Chế Nghĩa.
Ngỡ ngàng!
Nhìn biểu cảm của anh công an ở bên kia đường, tôi đoán vậy. Đường Trần Hưng Đạo có rất nhiều tòa sứ quán. Thế nên luôn có đội an ninh túc trực. Tôi dừng xe ở đầu ngõ Nguyễn Chế Nghĩa. Bước lên lề, canh góc, tôi nhờ vợ chụp lại mấy tấm ảnh kỷ niệm. Việc bắt gặp một người Việt Nam hân hoan chụp ảnh với bảng tên đường Việt Nam có lẽ là một trải nghiệm chưa từng với một anh công an.
Mát mẻ!
Lúc đi ở Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, 2 bên đường có nhiều cây cao, tán rộng. Nhờ đó cảm giác nóng bức trên thân có phần thuyên giảm. Lại thêm ít phút đứng dưới bóng cây xà cừ chụp ảnh, sự mát mẻ nhờ thế mà kéo dài thêm. Tôi càng thêm thấm thía về giá trị của những cây xanh lâu năm trong quy hoạch đô thị. Con người luôn phải nương tựa vào thiên nhiên, luôn cần được thiên nhiên che chở.
Tiếc nuối!
Tôi đi xe máy. Khi tiếp tục hành trình, tốc độ hẳn nhiên không thể nào như một người đi bộ. Không thể thu nhận mọi thứ như tâm cảm của một người đi bộ. Bấy giờ khi đã vào ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, những hàng cây cao, tán rộng đã không còn. Chỉ là nhà cửa san sát. Sự nóng bức trên cao phủ xuống, đè nặng trên đầu. Cộng thêm quỹ thời gian ít ỏi thế nên tôi đi nhanh đến địa chỉ nhà của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Tôi chắt lưỡi. Nếu là một buổi khác, có nhiều thời gian hơn, tôi sẽ gửi xe ở đâu đó gần đây và thong thả tản bộ hết tất cả các lối ngã của con đường Nguyễn Chế Nghĩa.
Nhầm lẫn!
Bên tay phải là các nhà được đánh số chẵn. Bên tay trái số lẻ. Khi đi vào khoảng 50m có một ngã ba. Tôi rẽ phải. Thấy số 6 là một cơ quan của Nhà nước. Sau đó thì tìm nhà số 8. Nhưng có đến 2 nhà. Một nhà số 8 ở đằng trước. Một nhà số 8A đằng sau. Nếu nhanh nhẩu có lẽ tôi đã nhầm lẫn và ra về. Thật may vì quan sát và đi thêm 1 đoạn nữa thì tìm thấy đúng nhà! Một phần cũng là nhờ tấm bảng ánh vàng chữ đen treo trước cổng.
Nhà bác sĩ có một bờ rào và một giàn hoa xanh mướt phủ leo. Cây hoa rũ xuống che cả bảng, che cả số nhà. Nhìn vào bên trong, tôi thấy một khoảnh sân nhỏ. Không hiểu đây là nhà được cấp hay do gia đình xây cất! Dự cảm theo tư duy kiến trúc ít ỏi, tôi đoán đây là dạng nhà cổ theo lối Pháp.
Tò mò!
Tôi chưa đọc hồi ký Nguyễn Khắc Viện. Tất cả hiểu biết về ông phần lớn là được người anh trong nhà truyền tai.
Nhất là một câu nói, “Rất có thể Nguyễn Khắc Viện với các quyển sách in trong thập niên 60, 70 thế kỷ trước chính là người Việt Nam đầu tiên đã đưa yoga vào Việt Nam? Đưa bằng cách viết sách. Không phải chỉ là chuyển ngữ mà là tổng hợp, biên tập, viết lại theo tư duy của một người Việt đã có quá trình thực hành, đúc kết từ cả việc hệ thống hóa lý luận lẫn thực tiễn giảng dạy, phổ biến trong cơ quan và cộng đồng. Nguyễn Khắc Viện sẽ là chuyên đề của cuộc đời hay cho đến khi nào có câu trả lời chính xác cho nghi vấn trên”.
Cả vợ tôi khi nghe vậy cũng rất tò mò. Vì anh ở trong miền Nam nên có nhắn tôi đi thăm nhà bác sĩ thay anh và kể lại cảm nhận chuyến đi. Tôi đã lưu lại lời nhắn. Nhà tôi ở Đông Anh cách đây cũng phải hơn 30km. Đến hôm nay chúng tôi mới thu xếp được. Cả hai chúng tôi đều háo hức, khi càng gần đến điểm cuối của hành trình thì háo hức ấy lại càng nổi bật.
Ngưỡng mộ!
Khi đọc xong những dòng ghi chép vắn tắt quá trình hoạt động, làm việc, cống hiến của bác sĩ, cái hiểu của tôi tăng lên. Tâm trí lúc đó dậy lên sự khâm phục, ngưỡng mộ một người đã hết lòng phụng sự cho đất nước.
Lúc này, có một bác hàng xóm (khoảng 60 tuổi) xuất hiện. Có lẽ thấy tôi và vợ ngó nhìn, chụp ảnh trước nhà nên bác hiếu kỳ. Bác nói, “Ông ấy mất rồi, ông ấy rất giỏi, nhà này con ông ấy đang ở.”
Chỉ ngắn gọn như vậy! Và lòng ngưỡng mộ của tôi lại tăng thêm và có phần chân thực hơn nữa. Vì đây là lời kể thực tế của người dân. Đó là bằng chứng sống động cho tấm bảng vàng trước nhà. Tôi không giỏi bắt chuyện và cũng không phải là người tinh ý thế nên không hỏi thêm gì nữa. Lúc này đã gần trưa. Mặt trời đứng bóng. Chúng tôi còn công việc ở nhà nên phải ra về, không thể ở lại lâu hơn.
Vui!
Trên đường về, tôi thấy vui lắm. Niềm vui, sự hài lòng có lẽ đã lan tràn trong tôi lúc tìm thấy nhà bác sĩ. Do không quen biết nên chắc là chúng tôi sẽ không thể nào hẹn được một lần vào thăm nhà. Nhưng chỉ một lần đứng trước hiên như thế này thì cũng đã thỏa. Tôi ấp ủ nhiều dự định để hiểu thêm về bác sĩ. Có lẽ là đọc thêm sách, xem thêm phim và nhất là thực hành các bài tập dưỡng sinh mà ông đã đúc kết.
Nguyễn Quốc Hương
29.6.2019