Tháng 6.2015, tôi tham gia một lớp học yoga nâng cao.
Trước đó, trong khoảng 3 năm, tôi đã bắt đầu hành tập và có được một chút quán tính để cảm thấu sự hiệu quả của bộ môn này trên thân thể mình. Tuy vậy, kỹ thuật học được phần lớn du nhập từ các bài tập cổ điển của Ấn Độ hay là cách tân của Hoa Kỳ. Chưa từng có huấn luyện viên nào trình bày cho tôi về lịch sử yoga tại Việt Nam cũng như chân dung của những người tiên phong đã phổ biến hình thức tập luyện này tại quê nhà. Phải đến thời điểm tháng 6, tôi mới được giới thiệu một cái tên Việt Nam. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi biết tới từ khóa “Nguyễn Khắc Viện”.
Việc tham gia một lớp học ngắn ngày có lẽ chưa đủ giúp tôi tăng trưởng đam mê với yoga cũng như sự xác quyết đi theo viễn cảnh trở thành một huấn luyện viên. Dẫu vậy, tư duy say mê những gì thuộc về lịch sử đã kịp lưu nhớ một nguồn cấp mới, đầy sức nặng.
4 năm trôi, khi mà nguồn thương yoga lùi xa còn thân tâm thì điên đảo trên muôn ngả đường tình mang tên Đ-I-Ệ-N-Ả-N-H, 1 sáng tháng tư ngợp nắng, bước chân giang hồ bất ngờ giảm tốc ở 1 đoạn đường. Danh xưng đã lưu nhớ, kỷ niệm đã in hằn giờ mắt môi trực diện với một thực tại rộng thoáng, xanh ươm.
Chưa bao giờ tôi nảy nở ý thức đi tìm con đường này. Nguyên do tôi đến đây là vì một sự kiện tại Đại Học Fulbright.
Từ cuối 2018 đến đầu 2019, đã mấy lần tôi lên kế hoạch đến trường. Có lần đã đăng ký tên, biên địa chỉ thư điện tử vào danh sách tham dự. Vậy mà cứ lần lữa mãi. Sâu kín bên trong là mặc cảm thua người. Ngôi trường sang giá. Khu vực sang giàu. Thị dân sang chảnh. Chốn đó dường không có không khí cho buồng phổi của tôi. Ngay cả một khối kiến trúc thuộc ngành giáo dục tôi cũng không dám nhón chân hiện diện. Nghĩ mình luống tuổi. Nghĩ mình quê mùa. Nghĩ mình nghèo hèn. Nghĩ mình chậm trí. Mấy tầng mặc cảm đè nặng khác gì tù ngục giam giữ vô hình. Thế mà cuối cùng cũng có một bộ phim, cũng có 1 hô gọi đã bạt xô mọi song chắn. Đó là “Chung Cư”, một tác phẩm điện ảnh chưa biết là đậm đặc hay nhạt loãng, nhưng là một phần ký ức tuổi thơ mà nhiều phần đã lãng quên nay muốn được phục dựng.
Sáng tháng tư ngợp nắng, từ đầu bến Miền Tây, tôi băng xuyên Quận Bảy. Chưa bao giờ hành trình bus Một Ba Chín lại đưa tôi đi xa đến như vậy!
Kỳ lạ là ngay sau đó, liên tiếp mấy tuần lễ, Fulbright tổ chức một loạt các buổi chiếu. Tôi tham dự không sót buổi nào. Cả thảy 3 lần nữa. Vậy là thêm 3 lần dọc ngang phương Nam của thành phố cùng chiếc xe màu xanh lục. Thêm nhiều lần chuyển di âm thầm nữa vì cao hứng, thêm bao sáng bao chiều tản bộ điềm nhiên. Bóng tối của sợ hãi và mặc cảm có lẽ đã hừng đông. Ánh sáng đẩy lùi bóng tối. Ánh sáng giúp tâm trí tận thâu thêm chút nữa về thực tướng nơi này, về phân hóa giàu / nghèo trong mức sống, về hài hòa / ngổn ngang trong quy hoạch. Thêm 1 lần chuyển di là thêm 1 lần được làm mới ánh nhìn. Và lần nào song hành cùng Một Ba Chín, “Nguyễn Khắc Viện”, dãy chữ màu trắng trên cao cũng như 1 người bạn cố tri, dang rộng tay chào.
Đây chỉ là một con đường nhỏ, độ dài chưa thể quá 1 cây số. Con đường huyết mạch hẳn là “trục xương cá” song song cách đó không xa hay là đại lộ thênh thang mà chỉ cần băng qua khu cao ốc thương mại là đã giáp mặt. Đó là thời tiết, là thế giới không thuộc về. Chơn tính lặng lẽ, ưa tĩnh lánh động chỉ có thể được nuôi dưỡng ngay tại đây, ngay góc ngã tư này.
Từ con đường khiêm hạ, náu mình, dấu che mình, ước mong sao khách bộ hành sẽ được bước tiếp đến một giao lộ chung tên gọi với dãy ký tự màu trắng bảng xanh ở trên cao, giao lộ của những con đường tâm lý, con đường văn học, con đường tư tưởng, con đường đạo đức, con đường dưỡng sinh.
#Nhiên
18.4.2019