16.6.22

Đến Lăng Ông kế chợ Bà Chiểu dự tọa đàm về Đức Thượng Công

#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Góc Lữ, Đạm Nhiên, tôi đến Lăng Ông cạnh chợ Bà Chiểu, Lăng Ông kế chợ Bà Chiểu, Miếu Thượng Công, Tọa Đàm Lê Văn Duyệt, Lăng Lê Văn Duyệt, Đường Lê Văn Duyệt, Chung cư Lê Văn Duyệt, Trường Lê Văn Duyệt, Di sản Lê Văn Duyệt, tọa đàm Tả Quân Lê Văn Duyệt, tọa đàm Tìm Hiểu Cuộc Đời và Thân Thế Tả Quân Lê Văn Duyệt, Trần Văn Sung, đạo diễn Quang Thảo Cải Lương Trăm Năm Nguồn Cội

1. 
Trở lại Sài Gòn, nơi tôi muốn đến đầu tiên là Lăng Ông cạnh chợ Bà Chiểu. Tôi định đi ngày Rằm nhưng sau đó dời lại. Thật may lại có 1 buổi tọa đàm về Đức Thượng Công vào tuần sau! Không gì hợp bằng!

2. 
Với tôi, chiếc cổng Lăng Ông và 2 cây thốt nốt là biểu tượng thành phố. Chỉ khi bước qua cánh cổng này, ngồi im dưới mái hiên hay đi một vòng quanh, chắp tay, cúi đầu, đảnh lễ thì tôi tưởng như mình mới hoàn thành nghi thức trở về. 

3.
Tôi yêu mến nơi này bằng lý lẽ của con tim trước khi khối dữ kiện mà lý trí tích lũy được theo ngày tháng ập tới. Lý lẽ ấy thật giản dị! Được đi bộ, xa cách tiếng ồn, hít thở trọn vẹn trong một vùng cỏ cây mát rượi và cũng chỉ cần chút phút giây thành tâm kính cẩn ngưỡng vọng là tôi đã thể nhập một chiều không gian khác. Tôi khi đó an tĩnh hơn và thấy mình giàu có, sự giàu có không phải đua tranh và chẳng khiến ai đố kỵ. 


4. 
Năm 2019, tôi biến dịp xem "Trăm Năm Nguồn Cội" thành một phần trong chuỗi ngày tìm hiểu lịch sử thành phố. Mong muốn của tôi là vào Lăng Ông càng sâu càng tốt. Tôi vào sâu thật. Tôi đi coi tuồng "San Hậu". Tôi đi dò tìm khu chung cư, ngôi trường lấy tên Tả Quân. Tôi nghĩ nếu sống gần Lăng thì thật sự tuyệt vời! Tôi đã đi bộ bao nhiêu lần trên trục đường này, từ cầu Bông, ngược xuôi mấy lượt. Chưa nhiều nhưng tạm đủ để in sâu những vệt nhớ trong ký ức về một quần thể nhất quán trong tên gọi.

5.
3 năm rồi tôi mới được dịp thảnh thơi 2 lượt bus để trở về! Đường đã đổi tên, trở lại đúng tên, vào năm kia. Nhưng dịch giã khiến tôi chưa có dịp nào vãn cảnh. Nay ngồi trên xe, khi bắt đầu lên cầu Bông, nhìn thấy tên đường, cảm giác thật sự rất khó tả, chỉ thấy lòng râm ran phấn chấn!

6.
Vẫn là tư duy của một người đi bus. Tôi cố gắng nhẹ nhất có thể về tư trang. Nhưng rồi không thể bỏ qua quyển sách in giấy màu nên khá nặng, cuốn sách từ trong Lăng, một tặng phẩm tôi luôn giữ gìn.

7.
Khi đã ngồi yên trong tọa đàm, tôi nhớ đến công năng nơi này. Khi có tuồng, chỗ tôi ngồi là hậu trường trang điểm của gánh hát bộ. 

8. 
Tôi ghi chép những thông tin mà tôi nghĩ là cần thiết từ buổi này. Tôi ghi theo tư duy từ khóa. Chỉ vừa đủ 2 trang giấy gói gọn trong lòng bàn tay. Nào là hội thảo năm ngoái (2021) về kênh Vĩnh Tế. Nào là mộ phần của thân sinh tại Tiền Giang. Nào là phong thủy của Lăng. Nào là việc phối thờ. Nào là bàn tay tôn tạo của bá tánh... Buổi hôm nay hình như có ghi hình. Nhưng tôi không trông đợi lắm vào công nghệ. Quỹ thời gian của tôi rất hạn hẹp. Thế nên tôi cố gắng lắng nghe, ghi chép và thuộc ngay tại chỗ. Nếu quên thì mở sổ tay xem lại.

9.
Cụ Nguyễn Đình Tư (100 tuổi) nếu tôi nghe không lầm tên và tuổi của cụ là một trong 4 vị thuyết trình trong buổi này. Đến gần cuối, cụ nói 1 câu mà nguyên văn có lẽ là "Nhớ ơn tiền nhân là một trong những đức tín của người Saigon". Tôi thích quá! Câu này xộc thẳng vào tâm can khiến tôi bần thần một lúc. Tôi muốn đưa ngay danh từ này "sự nhớ ơn" vào trong tổ hợp giá trị mà tôi theo đuổi. Tôi đã có 4 nay có thêm 1 là 5 giá trị mà mình sẽ cố gắng luyện tập. Tôi nghĩ tính này cũng đã có sẵn trong tôi. Chỉ là nhờ điều kiện như hôm nay mà được nhắc nhở. Cuộc đời tôi đến nay buồn nhiều hơn vui, nhớ lại đến giờ này vẫn còn được ngồi yên mà gõ chữ cũng là nhờ ơn tình của bao nhiêu người. Tôi hận mình chưa đủ tài lực để báo ơn. Thôi thì gắng sức làm một con người lương thiện và tránh làm ảnh hưởng đến những ai đã là ân nhân của mình! 

10.
Bắt đầu từ 8:30 đến khoảng 10:24 thì tọa đàm kết thúc. Nghe nói trước khi bắt đầu, ban tổ chức có đứng trước bàn thờ thưa gởi. Sáng hôm nay, trời nắng to. Dự báo thời tiết không hề có một xác suất mưa nào. Thế mà vừa dứt lời thì... 

11.
Lịch trình của cá nhân tôi vẫn chưa kết thúc. Sau khi ngồi đục mưa, tôi vào tiền - trung - chánh điện. Tôi thích khoảng giếng trời quá nên xin phép ngồi ở đây một lúc. Tôi dành khoảng nửa giờ cho việc cầu nguyện, đi nhiễu và cúng dường. Đến khi ra khu lăng mộ chấp tay rồi đứng trước nhà bia, ngay sau lời khấn nhỏ của tôi thì mưa rào xuống đầu tôi một lần nữa. Diễn biến ấy khiến tôi sửng sốt trong khi nắng rực rỡ ngoài kia. Việc diễn ra rất nhanh. Tôi lui ra khoảng tuôn đổ rồi tự an tĩnh mình bằng lý luận: có lẽ gió len vào cành lá đọng mưa.

12.
Nơi này rất linh thiêng. Hoặc có lẽ vì tôi có một giãn cách nhất định với Lăng nên tôi không dám có một giây phút bất kính sơ sẩy nào. Sau khi đã bước ra đúng theo lối ra, cửa ra, tôi vẫn tiếp tục quay lại xá chào. Lòng tôi luôn nghĩ mình chỉ là kẻ phàm phu. Tư duy, lời nói và hành động chắc chắn va chạm vào chuẩn mực của thế giới vô hình. Nội dung cầu khẩn của tôi dù ngắn hay dài cũng đều chung một cái kết: Kính chư vị bỏ qua cho kẻ ngu muội!

***

Ở bất kỳ nơi đâu cũng có 1 vị hộ thần! Tôi cũng như ai. Vào nhà thì phải tuân theo phép tắc. Mà làm đúng và có tâm luôn biết sửa sai nếu làm trật thì tôi nghĩ chắc chắn các vị sẽ không trách phạt. Hôm nay, thứ 4, ngày 15.6 dương lịch, tôi đã trở về và đã tự nguyện làm nên một bản cam kết giữa tôi với hộ thần vùng đất này. Ngưỡng mong luôn được chư vị chở che!