Lịch trình hôm nay là đóng góp quần áo và một ít tập vở học sinh cho chương trình Tết Ấm Khmer 2019.
Điểm tập kết hàng là đâu đó gần kề Chùa Quán Thế Âm. Trạm cuối của tôi mang một ý nghĩa đặc biệt. Chùa tọa lạc tại đường Thích Quảng Đức (Q. Phú Nhuận) và thầy Quảng Đức cũng từng là trụ trì già lam này. Tên đường và tên người nhất quán tạo ra vòng lập trong danh xưng. Di tích lịch sử đã được công nhận này xứng đáng được đưa vào hành trình du lịch bus Saigon (nếu có 1 chương trình như thế).
Tôi chọn bus số 8 và trạm đi của tôi là điểm dừng rất dễ nhận diện nằm đối diện hồ bơi Phú Thọ. Lúc tôi đứng đợi xe, một cụ ông tầm khoảng trên dưới 70 từ xa đi lại. Xe 66 xuất hiện ở ngã tư Lý Thường Kiệt - 3 tháng 2 rồi lướt qua chỗ chúng tôi. Ông hỏi:
- Sao bus không đón khách, cậu?
Tôi thầm nghĩ một là ông từ Hà Nội vào. Ở Hà Nội, hành khách chỉ việc đứng yên hoặc ngồi yên ở trạm. Bất kỳ xe nào cũng sẽ đỗ lại và mở cửa. Ai cần đi thì chọn đúng tuyến và bước lên. Người đi xe bus Hanoi vì vậy có lẽ là hạnh phúc hơn. Không bao giờ phải trông ngóng về hướng 9 giờ. Không bao giờ phải ở trong trạng thái lo lắng chờ đợi. Không bao giờ phải dáo dát phóng mắt về phía dòng xe cộ hối hả bụi mờ. Ở Sài Gòn thì khác, phải quắc. Phải vẫy! Có khi phải dùng mọi ngôn ngữ cơ thể. Có khi phải đứng hẳn ra lòng đường đầy hiểm nguy. Và tư thế vẫy, quắc này nếu giữ cố định đủ lâu thì cũng không khác thế chào Adolf Hitler hay chào phát xít là bao.
Cụ ông nói giọng phương Nam nên tôi bỏ qua phán đoán thứ nhất. Phán đoán thứ hai (nhiều xác suất đúng hơn), đây là lần đầu sống trải. Chưa từng đi bus Saigon. Và buổi sáng hôm nay với xe số 66 là lần đầu tiên. Chẳng hiểu ông về đâu giữa 2 đầu Chợ Lớn – An Sương? Tôi trả lời ông thật chậm, thật ngắn và không quên kèm theo động tác duỗi thẳng tay về phía trước theo hướng 11 giờ:
- Dạ, muốn xe 66 hay xe nào cũng dzậy thôi, muốn xe rước thì mình phải quắc nha ông!
#Nhiên
12.1.2019